Sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo và phù hợp nhất đối với sự phát triển của trẻ. Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ dưới 1 tuổi mà không gì thay thế được.
Sự bài tiết sữa theo cơ chế phản xạ, khi trẻ bú, các xung động sẽ tác động lên tuyến yên sản xuất prolactin và oxytoxin kích thích sự bài tiết sữa và phun sữa. Phản xạ này phụ thuộc vào tinh thần của bà mẹ. Vì vậy muốn bài tiết sữa nhiều, các mẹ cần thoải mái, tin tưởng vào việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Để tăng sự bài tiết sữa, các mẹ cũng cần lưu ý các biện pháp hỗ trợ sau:
1. Cho con bú đúng cách
Cho con bú đúng cách sẽ kích thích tiết sữa tốt hơn. Điều này có nghĩa là mẹ cần cho con bú sớm khoảng 30 phút sau sinh, bú hoàn toàn 6 tháng đầu, không ăn thêm bất cứ gì khác, bú theo nhu cầu của trẻ, không kể ngày đêm, ít nhất 8 lần/24giờ.
Mẹ cần nhớ cho trẻ bú cạn một bên vú rồi mới chuyển sang bên còn lại, để trẻ bú hết sữa đầu và sữa cuối. Thời gian cần thiết để cai sữa khi trẻ được 18 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn nếu có thể.
Tư thế bú đúng là tư thế mẹ và con đều thoải mái, trẻ được bế áp sát vào lòng mẹ. Mẹ đỡ toàn thân trẻ. Đầu và thân trẻ nằm trên một đường thẳng, đầu trẻ đối diện với vú mẹ.
Cách con ngậm bắt vú tốt nhất là miệng mở rộng, môi dưới hướng ra ngoài, ngậm miệng sâu hết quầng vú, cằm tì vào vú mẹ và má căng phồng. Nếu bé không bú nhiều, mẹ nên hút sữa ra ở cả hai bầu vú trong vòng 10-15 phút mỗi ngày.
2. Chế độ ăn uống
Trong thời kì mang thai, các bà mẹ cần được bổ sung thức ăn để thai nhi phát triển tốt và mẹ có khả năng tiết nhiều sữa. Lúc này mẹ cần tăng thêm 550 kcalo chế độ ăn bình thường hàng ngày.
Chế độ ăn đủ các chất dinh dưỡng glucid, protid, lipid, rau xanh và hoa quả chín để cung cấp đủ vitamin. Một số món ăn cổ truyền như chân giò, gạo nếp cũng có tác dụng tốt.
Khẩu phần ăn lúc cho con bú cần tăng thêm khoảng 350 Kcal/ngày, tương đương khoảng 1/4 lượng thức ăn so với ngày thường. Bữa ăn của mẹ cần đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm: Nhóm chất bột (cơm, khoai củ, bánh mì, bún, bánh phở…); Nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua…); Nhóm chất béo (dầu mỡ, bơ, lạc…); Nhóm vitamin và khoáng chất (rau xanh, quả chín).
Mẹ cần hạn chế đồ ăn có nhiều gia vị gây mùi như hành, tỏi vì trẻ sẽ bú kém. Không được ăn kiêng khem quá mức và cần phải uống đủ nước. Đây là điều kiện cần thiết để có thể có đủ lượng sữa.
3. Lao động
Làm mẹ là một công việc khá vất vả và căng thẳng nhưng mẹ cũng cần phải dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Căng thẳng sẽ hạn chế khả năng tiết sữa.
Bà mẹ có thai và cho con bú không nên lao động quá sức hoặc quá ít vận động, nên cân đối lao động, nghỉ ngơi hợp lý. Đặc biệt, trước đẻ và sau đẻ, mẹ cần có chế độ nghỉ ngơi và thư giãn để phục hồi sức khoẻ và cho con bú.
4. Sinh hoạt tinh thần
Mẹ cũng cần có chế độ sinh hoạt tinh thần thoải mái, tin tưởng mình có đủ sữa. Tránh lo âu, buồn phiền, tránh stress và đảm bảo được ngủ đủ nhu cầu. Mẹ nên chủ động đề nghị người thân giúp đỡ vì sức khỏe của cả mẹ và bé.
5. Hạn chế sử dụng chất kích thích, thuốc có thể gây mất sữa
Các chất kích thích như cafe, rượu, làm giảm khả năng tiết sữa. Tương tự, bà mẹ cần tránh các thuốc có khả năng làm giảm tiết sữa như thuốc tránh thai có Estrogen, thuốc lợi tiểu nhóm Thiazid. Ngoài ra, khi đang cho con bú, mẹ nên hạn chế việc dùng thuốc, vì một số thuốc qua sữa dễ gây ngộ độc cho trẻ.
6. Thực hiện sinh đẻ có kế hoạch
Đẻ dày, đẻ nhiều khiến cơ thể người mẹ chưa đủ phục hồi một cách tốt nhất để chuẩn bị sức khỏe và dưỡng chất cung cấp cho trẻ. Vì vậy, mỗi gia đình chỉ nên có 1-2 con để đảm bảo chăm sóc tốt. Thời gian sau mỗi lần sinh cách nhau từ 3-5 năm là lý tưởng nhất, giúp cho cả mẹ và bé khỏe mạnh.